Cho đến nay, các thành viên Bộ môn đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học các cấp, gồm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp địa phương, cùng nhiều đề tài hợp tác quốc tế. Tính đến 8/2021, các thành viên hiện đang công tác tại Bộ môn đã chủ trì: 5 đề tài cấp Nhà nước, 24 đề tài cấp Bộ và tương đương; đã tham gia: 10 đề tài quốc tế, 18 đề tài cấp Nhà nước; 19 đề tài cấp Bộ và tương đương.
3.1. Các hướng nghiên cứu khoa học chính
(i) Nghiên cứu các mô hình kinh tế -sinh thái;
(ii) Nghiên cứu đặc điểm dân số, dân cư, hình thái, cấu trúc quần cư và các vấn đề xã hội (di cư, bất bình đẳng,…);
(iii) Tiếp cận đa cấp, đa tỉ lệ trong nghiên cứu tương tác con người-môi trường;
(iv) Nghiên cứu đánh giá tài nguyên du lịch, du lịch bền vững, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tổ chức lãnh thổ du lịch;
(v) Kinh tế và văn hóa các tộc người;
(vi) Nghiên cứu chuyển biến kinh tế xã hội và văn hóa, sinh kế cộng đồng và vấn đề nghèo trong thời kỳ đổi mới ở khu vực đô thị và nông thôn;
(vii) Sinh kế và tính dễ bị tổn thương của cộng đồng dân cư trong bối cảnh đô thị hoá, tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu;
(viii) Cấu trúc và lịch sử biến đổi cấu trúc đô thị;
3.2. Một số ứng dụng tiêu biểu từ các kết quả nghiên cứu
(i). Đề nghị với Bộ Lâm Nghiệp (trước đây) và Nhà nước thay nguồn nguyên liệu cho Nhà máy giấy Bãi Bằng từ NỨA (vì sản lượng và sự tái sinh của nứa không bền vững….) sang GỖ MỀM.
(ii). Chuyển vùng giống cam Bố Hạ, Bắc Giang (sắp tuyệt chủng do đất và khí hậu suy thoái) lên vùng Vĩnh Tuy huyện Bắc Quang, thành phố Hà Giang, sau này là cả Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang; nay đã phát triển thành vùng “cam sành Hà Giang”.
(iii). Đặt nền móng khoa học cho việc phát triển bền vững vùng chuyên canh cà phê Đắk Lắk và việc đổi mới và hoàn thiện một số quy trình chăm sóc cà phê như quy trình tưới nước cho cà phê, quy trình diệt cỏ dại ở vườn cà phê, quy cách trồng cây che bóng, chắn gió cho thảm cà phê.
(iv). Với đủ cơ sở khoa học về sinh thái cảnh quan và kinh tế học sinh thái đã đặt nền móng xác lập nên vùng chuyên canh na lớn của tỉnh Lạng Sơn từ việc nghiên cứu tổng hợp huyện Hữu Lũng.
(v). Xác lập cơ sở khoa học cho ý tưởng “Kiến nghị với nhà nước chia tỉnh lại như cũ” sau khi nhập tỉnh sai quy luật địa lý gây bất ổn về nhân văn và quản lý kinh tế – xã hội.
(vi). Góp một phần cơ sở lý luận Địa lý học để xác nhận tính hợp lý và ổn định của đường biên giới quốc gia Việt Nam – Campuchia – một trong những cơ sở pháp lý trong nghị định tầm quốc tế tiến tới ổn định về chính trị – kinh tế – xã hội giữa hai nhà nước và hai dân tộc láng giềng.
(vii). Nghiên cứu ứng dụng “tổ chức lãnh thổ sản xuất” ở nhiều địa phương trong cả nước.
(viii). Xác định các điểm, tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; Tổ chức không gian phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị, trong đó có các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm về chiến trường xưa.
(ix). Phát hiện mới, phân hạng và đánh giá tổng hợp các di sản thiên nhiên; đề xuất mới một số tuyến du lịch sinh thái chuyên đề đặc thù; tổ chức lãnh thổ du lịch và xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vững vùng Tây Nguyên.
(x) Tổ chức không gian phát triển du lịch cho toàn bộ khu vực ven biển và biển đảo Việt Nam; Đánh giá tổng hợp tiềm năng phát triển du lịch của 28 tỉnh thành ven biển; Xây dựng Bộ tiêu chí và chỉ tiêu phát triển du lịch biển bền vững;
(xi) Xác lập mô hình, đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và biển đảo Việt Nam;
(xii) Xây dựng mô hình phục vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho phát triển bền vững du lịch vùng lòng hồ Hòa Bình;
(xiii). Chủ trì và tham gia biên tập cuốn “Atlas Thăng Long – Hà Nội” – một trong những cuốn sách tiêu biểu trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”; chủ trì và tham gia viết “Kinh tế môi trường”, “Du lịch Tây Nguyên: luận cứ khoa học và giải pháp phát triển”, “Địa chí Cổ Loa”, “Địa chí Đông Anh”, “Thoại Sơn trên đường phát triển bền vững”, “Uông Bí: Đất và Người”, cùng nhiều cuốn sách có giá trị khác.